Home » » Cổ ngoạn là gì? Tại sao gọi là Cổ Ngoạn? - Gốm Sứ

Cổ ngoạn là gì? Tại sao gọi là Cổ Ngoạn? - Gốm Sứ

Tìm hiểu về thú chơi “Cổ ngoạn” của người Việt Nam

“Cổ ngoạn” là cách gọi văn vẻ của thú chơi đồ cổ – một thú chơi thanh tao, thi vị đã xuất hiện từ rất lâu đời mà nguồn gốc có lẽ bắt nguồn từ những vị vua chúa, các nhà cầm quyền và giới quý tộc. “Cổ ngoạn” xuất hiên ở Việt Nam cũng từ khá sớm, theo một số thông tin thì thú chơi này ra đời bởi các nguyên nhân chủ quan và khách quan sau:

  • Nhu cầu thưởng ngoạn của vua chúa, quan lại, nghệ nhân, trí thức nước ta.
  • Các sản phẩm thủ công cao cấp của ta được làm từ xa xưa rất đẹp, nhiều loại không thua kém hàng Trung Quốc, Nhật Bản.
  • Nhiều sản phẩm thủ công Trung Quốc sớm du nhập vào Việt Nam và tạo nên trào lưu sưu tập.
Dưới các chế độ quân chủ chuyên chế, đồ cổ và các vật quý khác như vàng, ngọc… đều nằm hầu hết trong tay vua chúa, quan lại và những gia đình quý tộc. Nhân gian nếu có đồ cổ, vật quý đều phải nộp cho triều đình, hoặc phải cúng vào chùa chiền, đền miếu làm đồ thờ cúng. Bởi thế, thú chơi “cổ ngoạn” từ xa xưa là thú chơi của vua chúa.

Trưng bày báu vật hoàng cung ở Festival Huế

Đến cuối thế kỷ XIX, khi nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, mọi trật tự xã hội và quan niệm truyền thống bị thay đổi, uy quyền của vua chúa phong kiến mất dần, trong khi đó các thế lực địa chủ, thương nhân mạnh dần lên và những người này đã nghĩ tới việc chơi đồ cổ. Ho ra sức tìm kiếm những cổ vật quý của Việt Nam hoặc đồ gốm sứ, đồ gỗ gia dụng quý của Trung Quốc, sản xuất vào các thời Minh – Thanh để bày biện, trang trí nhà cửa. Để chứng tỏ sự cao quý của mình, họ còn học hỏi các trường phái mỹ thuật để sắp xếp bộ sưu tầm cổ vật của mình theo những nét đặc trưng rất riêng. Từ đó, thú chơi đồ cổ dần dần lan rộng, những kiến thức mới về khảo cổ và mỹ thuật được giới trí thức tân học tiếp thu rồi phổ biến trong dân chúng.

Từ cuối thế kỷ XIX đến những năm đầu thế kỷ XX, do kết quả của khảo cổ học, dân tộc học và nghiên cứu văn hóa, song song với hoạt động của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Hà Nội) và Hội Đô thành hiếu cổ(Huế), các Viện Bảo tàng được thành lập ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ đã mở các triển Lãm cổ vật, giới thiệu những di sản văn hóa của dân tộc cho công chúng thưởng thức. Và thú “cổ ngoạn” đã phát triển mạnh nhất từ thời kỳ đó.

Tại kinh đô Huế, dưới triều Khải Định (1916 – 1925), Viện Bảo tàng Khải Định được mở ra để trưng bày các bảo vật của Hoàng gia, vốn trước đó vẫn được cất giữ bí mật. Cần nói thêm rằng: Khải Định là ông vua rất ham thích đồ cổ. Trong các nội phủ, các dinh thự, đồ cổ không chỉ để bày biện, trang trí, mà còn được dùng trong cúng tế, yến tiệc và cả trong sinh hoạt hàng ngày. Hơn nữa, ngay tại đất cố đô, nghề buôn đồ cổ cũng được phép hoạt động.

Bộ đồ ăn tiệc của vua Khải Định – Ảnh: Kiến Thức

Cũng trong thời gian ấy, ở Bắc Kỳ, các nhà chính trị và giới thương gia cũng đua nhau chơi đồ cổ. Những viên quan khét tiếng như Khâm sứ Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Nguyễn Văn Định… trưng bày la liệt kỳ trân, bảo vật trong nhà, ngoài sân dinh thự nhằm thỏa mãn thú chơi quyền quý, cao sang này.

Ở Hà Nội, giới chơi đồ cổ là các thương gia, đến nay người Hà Nội còn nhắc tới các tên tuổi: ông Hương Ký (chủ hiệu ảnh Hương Ký), ông Nguyên Ninh (chủ doanh nghiệp bánh cốm Nguyên Ninh), ông Mỹ Thắng (phố Hàng Bạc) và hai nhân vật nữ không kém nổi tiếng là bà Bé Tý, cô Tư Hồng. Những người này đều rất sành về đồ cổ và có những bộ sưu tập quý hiếm. Đặc biệt, ở phố Hàng Trống lúc bấy giờ, có nhà buôn đồ cổ lừng tiếng Hàn Liên, cụ là người kỳ cựu trong nghề buôn bán cổ vật, mà tiếng tăm đã vang khắp nơi trên Đông Dương và tới tận Paris, thủ đô nước Pháp.

Còn trên đất Nam Bộ, thú chơi ”đồ xưa” cũng lan rộng trong nhân dân từ thành thị đến thôn quê. Ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, nổi tiếng sành chơi cổ vật hơn cả có bà Đốc phủ Hà Minh Phải. Trên đất Vĩnh Long cũng có ông Phán Nuôi được người đương thời mệnh danh ”đệ nhất về đồ xưa”. Tại đường Catinat (nay là đường Đồng Khỏi, thành phố Hồ Chí Minh) có tiệm Pháp Vũ chuyên buôn bán đồ cổ. Tiệm này chuyên cung cấp các đồ quý lạ cho những người sành điệu. Ở Chợ Lớn bấy giờ cũng có nhà buôn Chánh Đào Ngọc chuyên cung cấp các loại bình thường cho người miệt vùng Lái Thiêu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Như vậy, thú chơi đồ cổ đã khởi nguồn và phát triển rộng rãi khắp mọi miền đất nước Việt Nam từ khá lâu, thú chơi ấy cũng đã ăn sâu bắt rễ trong nhân dân cho đến tận bây giờ, đem lại niềm say mê mỹ cảm rất lành mạnh. Thú chơi cổ vật này cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo quản và giữ gìn những tinh hoa truyền thống không chỉ của dân tộc mà còn của các nền văn hóa khác trên thế giới.

Một bộ sưu tầm đồ cổ của một gia đình – Ảnh: Internet


Bạn đang đọc bài viết tại trang: Mua Gốm Sứ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét