Home » » Các trường phái Đồ Cổ ở Việt Nam

Các trường phái Đồ Cổ ở Việt Nam

“Cổ ngoạn” (nói nôm na là “chơi đồ xưa”) là một thú chơi của những người tìm và sưu tập những món cổ vật còn lưu giữ lại từ thời xa xưa như đồ đồng, đồ ngọc, gốm sứ, bàn ghế, sách xưa, tranh thư pháp, tem thư… Thú sưu tầm này không phân biệt tầng lớp, gia cảnh, tuổi tác và cũng rất đa dạng: Có người đam mê những món đồ đồng cổ, có người thích chơi cổ ngọc, sách xưa (sách tây, quốc ngữ, Hán Nôm), và phổ biến nhất là chơi gốm sứ. Thói quen sưu tập của mỗi người cũng khác nhau, có người chỉ sưu tập một loại cổ vật, có người lại thích một bộ sưu tập cổ vật đa dạng, phong phú, nói chung là muôn màu muôn vẻ. Nhưng nhìn chung ở Việt Nam hiện nay có hai trường phải chơi đồ cổ chính: trường phái “cổ đồ” và trường phái sưu tập. Hãy cùng MUA Gốm Sứ tìm hiểu nhé.

Bài viết khác chủ đề:


Một góc trong bộ sưu tập gốm sứ cổ của ông Đinh Công Tường  – Ảnh: Zing.vn

1. Trường phái “cổ đồ

Nhiều người nghĩ rằng “cổ đồ” có nghĩa là chơi đồ cổ, nhưng thật ra “cổ đồ” chính là dùng đồ cổ để bày theo đúng quy cách mỹ thuật cổ điển. Những người thuộc trường phái “cổ đồ” đa phần đều thấm nhuần tư tưởng triết học cũng như am hiểu quan niệm thẩm mỹ phương Đông cổ. Đa phần những người theo trường phái này là những người giàu có, hoặc chí ít cũng phải có điều kiện về kinh tế.

Trường phái “cổ đồ” ở Việt Nam phần nào chịu ảnh hưởng của văn hóa truyền thống Trung Hoa và phổ biến ở miền Bắc, nó toát lên vẻ tao nhã, triết lý sâu xa. Trong trường phái này, không đòi hỏi phải có thật nhiều hiện vật mà chỉ cần một vài thứ đồ cổ  hội đủ ba điều kiện ”cổ, quý, kỳ”, đồ càng xưa và càng hiếm thì càng quý, nhiều người còn thích sưu tập những món đồ cổ “độc nhất vô nhị”, tức là không có cái thứ hai giống như thế. Bên cạnh đó, mỗi món đồ được chọn phải toàn bích, men màu, kích thước, hình dáng phải hoàn hảo, nhìn ngắm kỹ đều không thể chê điểm nào được.

Nghệ thuật trưng bày đồ cổ để thưởng ngoạn đòi hỏi một không gian thoáng đãng, sáng sủa nhưng phải hài hòa, tinh tế và có vật cảnh tạo nền hợp lý để làm nổi bật những món đồ cổ quý giá. Thông thường, người ta tạo nền bằng các món đồ gỗ cổ được tạo tác khéo léo và tinh xảo. Quan trọng nhất là người chơi “cổ đồ” phải thông hiểu những bài bản, quy tắc trong nghệ thuật trang trí cổ xưa; có những kiến thức cần thiết về đồ cổ nói chung, hay ít ra cũng phải am tường loại đồ cổ mà mình sưu tầm.


Một gian phòng trưng bày đồ cổ của một gia đình ở Hà Nội – Ảnh: Afamily

Người chơi ”cổ đồ” thường chỉ đem những món quý giá trong bộ sưu tập của mình ra bày vào dịp lễ Tết hay những dịp quan trọng để giới thiệu với người thân, bạn bè tri âm tri kỷ hoặc khách quý. Trong buổi thưởng ngoạn, chủ nhân thường cho đốt đỉnh xông trầm hương, tự tay pha ấm trà mời khách rồi chủ khách cùng nhau thưởng thức đồ cổ, săm soi phẩm bình, xướng họa, tận hưởng cái thú tiêu dao đầy thi vị như tao nhân mặc khách xưa.

2. Trường phái sưu tập

Ở Việt Nam, bên cạnh trường phái “cổ đồ” thì trường phái sưu tập cũng là một khuynh hướng phổ biến của giới chơi đồ cổ. Trong trường phái này, người chơi phải sẽ tự chọn và quyết định sưu tập hiện vật theo một đề tài mà mình ưa thích trong số rất nhiều những đề tài phong phú. Ví dụ như đề tài gốm Lý, Trần (theo triều đại lớn), bình vôi, ấm trà hoặc gốm men ngọc, gốm hoa lam (theo loại hình), khắc gỗ, khắc đá, tượng gỗ (chất liệu – loại hình), v.v…

Người chơi đồ cổ theo trường phái sưu tập không đòi hỏi phải có điều kiện kinh tế quá cao, cũng không nhất thiết phải có kiến thức sâu sắc về mỹ thuật cổ xưa, mà điều cần thiết nhất là phải kiên trì và có nhiều thời giờ. Bởi vì muốn sưu tập được những món cổ vật giá trị thì chắc chắn phải mất thời gian tìm kiếm đi nhiều nơi, giao thiệp rộng để tìm kiếm những thứ quý giá, hiếm hoi và nhặt nhạnh ngày qua ngày. Có những hiện vật xưa tưởng chừng không mấy giá trị, rất dễ kiếm, thậm chí có thể xin được như các loại bình vôi, nhưng khi được tập hợp lại thành bộ, chúng lại trở nên vô giá!

Trường phái sưu tập đã có một thời cực thịnh ở miền Nam nước ta, nó chịu ảnh hưởng một phần của châu Âu – Mỹ. Những người sáng lập ra trường phái này là nhà sưu tập Vương Hồng Sến, và bên cạnh đó còn có giáo sư Dương Minh Thới, kỹ sư Tăng Văn Khuê, họa sĩ Nguyễn Văn Rô, nhà văn Ngọc Sơn,… Chính họ đã là những người đã có công gìn giữ cho Sài Gòn nói riêng và cho nước nhà nói chung những bộ sưu tập đồ cổ tuyệt kỹ.

Thú chơi đồ cổ cũng có thể xem như một thú chơi mang tính văn hóa: nó không những giúp mỗi cá nhân thỏa đam mê với những món cổ vật, mà còn mang đến nhiều lợi ích cho xã hội khi không ít bộ sưu tập cá nhân, gia đình đã trở thành nguồn bổ sung cổ vật cho các bảo tàng Nhà nước.

Phòng trưng bày một số cổ vật của Vương Hồng Sểntrong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Tp.HCM – Ảnh Internet


Bạn đang đọc bài viết tại trang: Mua Gốm Sứ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét