Home » » Phương pháp tạo dáng gốm cổ truyền của người Việt xưa

Phương pháp tạo dáng gốm cổ truyền của người Việt xưa

Phương pháp tạo dáng gốm cổ truyền của người Việt xưa là làm bằng tay trên bàn xoay. Trong khâu tạo dáng, người thợ gốm thường sử dụng lối “vuốt tay, be chạch” . Thợ ngồi trên một cái ghế cao hơn mặt bàn rồi dùng chân quay bàn xoay và tay vuốt đất tạo dáng sản phẩm. Hãy cùng DIVA Gốm Sứ tìm hiểu về quá trình tạo cốt gốm đầy công phu và đòi hỏi sự tỉ mỉ cực cao này nhé.


Đất phải được vò thật nhuyễn trước khi đưa vào bàn xoay, cuốn thành thoi rồi ném để thu ngắn lại. Sau bước này, người ta đặt vào giữa bàn xoay, vỗ cho đất dính chặt rồi lai nén và kéo đến khi đất nhuyễn dẻo mới “đánh cử” đất và “ra hương” chủ yếu bằng hai ngón tay bên phải. Sau quá trình kéo đất bằng tay và bằng sành tới mức cần thiết, người thợ sẽ dùng sành dan để định hình sản phẩm. Sản phẩm “xén lợi” và “bắt lợi” xong thì được cắt chân đưa ra đặt vào “bửng”.

Việc sử dụng bàn xoay vuốt tạo dáng ban đầu của sản phẩm là công việc phổ biến ở mỗi lò gốm cổ Việt Nam nhưng lại rất xa lạ với thợ gốm phương Tây. Tuy nhiên, trải qua thời gian, kỹ thuật này đã dần mai một và  hiện nay không còn mấy người thợ gốm còn có thể làm được công việc này nữa.


Người thợ “đắp nặn” gốm là phải là người có trình độ kỹ thuật và mỹ thuật cao, người thợ này có thể đắp nặn một sản phẩm gốm hoàn chỉnh hoặc từng bộ phận riêng lẻ của một sản phẩm và sau đó tiến hành chắp ghép lại. Việc đắp nặn này cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ đến từng chi tiết và tốn thời gian, cho nên do nhu cầu sản xuất gốm công nghiệp hay mĩ nghệ, hiện nay, nhiều lò gốm đã tiến hàng đắp nặn một sản phẩm mẫu để đổ khuôn thạch cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt.

Việc tạo hình sản phẩm gốm theo khuôn in bằng thạch cao hay gỗ được tiến hành như sau: đặt khuôn giữa bàn xoay, ghim chặt lại, láng lòng khuôn rồi ném mạnh đất in sản phẩm giữa lòng khuôn cho bám chắc chân, vét đất lên lợi vành, quay bàn xoay và kéo cán tới mức cần thiết đề tạo sản phẩm. Tuy nhiên cách này chỉ có thể tạo ra các sản phẩm có dạng hình tròn hở miệng, vì bàn quay li tâm chỉ cho phép thợ tạo ra các sản phẩm có dạng hình tròn, lưỡi cán đất sẽ không cho phép tạo các đồ vật miệng kín.



Ngày nay, thợ gốm thường sử dụng kỹ thuật đổ rót “đúc” hiện vật. Muốn làm gốm theo kỹ thuật này trước hết phải tạo khuôn bằng thạch cao, có nhiều loại khuôn từ đơn giản đến phức tạp. Loại đơn giản là khuôn hai mang, loại phức tạp thì thường có nhiều mang. Với cách tạo dáng này, các lò gốm có thể tạo ra hàng loạt các sản phẩm gốm giống nhau trong thời gian ngắn.

Ngoài ra, người ta còn dùng phương pháp đổ rót: đổ “hồ thừa” hay “hồ đầy” để tạo dáng sản phẩm. Hồ lỏng sau quá trình nghiền đất sẽ được trộn với xút (chủ yếu là NaHSiO3) nhằm làm giảm quá trình lắng của các hạt đất trong hồ, sau một thời gian nhất định hồ thừa sẽ được đổ ra ngoài, người thợ sẽ để thêm một thời gian nữa trước khi lấy sản phẩm ra khỏi khuôn (để sản phẩm được khuôn hút bớt nước, khi đó sản phẩm sẽ cứng hơn) nếu lấy ra sớm sẽ làm sản phẩm bị méo, hoặc sau khi lấy hồ ra người thợ đổ rót sẽ phải cho vào đó bóng đèn hoặc than tổ ong đang hồng để cho sản phẩm nhanh cứng. Đây là phương pháp sản xuất hàng loạt và phổ biến hiện nay.

Bạn đang đọc bài viết tại trang: Mua Gốm Sứ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét